Góp phần vào thành công của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh trong những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng công nhân lao động, họ là những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào SXKD của đơn vị.

Anh Thúi đã 18 năm gắn bó với cây cao su
Chịu khó và ham học hỏi nên thường xuyên vượt sản lượng

Một chiều cuối tuần, chúng tôi có dịp đến Nông trường Hà Tây để gặp anh Thúi, dân tộc Ba Na ở tổ khai thác 1, ngồi trò chuyện cùng anh trong căn nhà nhỏ ở làng Kon Măh xã Hà Tây huyện Chư Păh. Anh cho biết: “Mình năm nay đã 45 tuổi, vào làm công nhân cao su từ năm 2002, khi ấy mình mới 27 tuổi. Đây là một bước chuyển của cuộc đời mình và cả làng vì lâu nay thanh niên ở làng chỉ quen với việc phát đốt chọc tỉa trên nương rẫy, mình là một trong những người tiên phong trong làng”.

Bước đầu vào làm công nhân gặp nhiều khó khăn, nhất là các kỹ thuật chăm sóc và khai thác  mủ, nhưng anh tự động viên là phải luôn cố gắng, chấp nhận vất vả để theo đuổi công việc mình đã chọn. Hơn nữa, anh được anh em công nhân đi trước chỉ bảo tận tình, nên đã tự hứa phải cố gắng không ngừng để không phụ lòng tin của mọi người.

Với nhiệm vụ được giao là chăm sóc và khai thác mủ cao su, anh nhận thấy việc nâng cao tay nghề là yếu tố quyết định đến việc khai thác vườn cây đúng kỹ thuật, duy trì ổn định hết chu kì khai thác và sản lượng mủ đạt chất lượng cao. Nhờ vậy năm nào anh cũng đạt và vượt chỉ tiêu sản lượng mủ nông trường giao, tiêu biểu như năm 2018, 2019 đều vượt 50% sản lượng.

Đã 18 năm gắn bó với cây cao su, anh cho biết nghề chăm sóc cây cao su như chăm con mọn bởi công đoạn nào cũng đòi hỏi phải kỹ lưỡng và cẩn thận. Dẫu công việc có vất vả, mức lương thấp hơn những năm trước nhưng vẫn phải luôn lao động hăng say, tận tụy với công việc vì cây cao su đã gắn với cuộc đời mình. Chính từ sự cần cù chịu khó và ham học hỏi nên tay nghề của anh luôn được nâng cao. Với sự nỗ lực cố gắng trong công việc anh đã nhận được nhiều bằng khen của VRG, Công đoàn Cao su VN, Chiến sỹ thi đua công ty.

Chắt chiu từng giọt mủ

Rời Nông trường Hà Tây chúng tôi ngược về Nông trường Ia Nhin để gặp một nữ công nhân điển hình đó là chị Nguyễn Thị Phương ở tổ 10. Ngồi trò chuyện bên lán chờ trút mủ, chị Phương cho biết, mình chỉ mới làm công nhân cao su được 10 năm nay. Cũng như bao công nhân khác thời gian đầu vào do chưa quen với công việc, tay nghề còn yếu nên cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng chị tự động viên mình phải luôn cố gắng.

Tranh thủ lúc rảnh rỗi chị tìm tài liệu đọc để hiểu hơn về cây cao su, đồng thời theo các anh chị có kinh nghiệm xem thực hành trên cây cao su. Với sự đam mê nghề nên chỉ trong thời gian ngắn chị đã quen với công việc hàng ngày.

Chị Phương cho biết: “Em đã được học hỏi nhiều từ các anh, chị cô chú giỏi trong nghề, bên cạnh đó bản thân không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm nên dần dần tay nghề em vững vàng hơn. Là công nhân khai thác nên bản thân em luôn tự ý thức trách nhiệm của mình, thường xuyên trao đổi, rèn luyện nâng cao tay nghề, khai thác đúng qui trình kỹ thuật, chăm sóc tốt và đúng qui trình vườn cây giao khoán”.

Chị Nguyễn Thị Phương học hỏi từ đồng nghiệp để có được tay nghề cao

Nhờ vậy mà sản lượng giao khoán vườn cây khai thác của chị Phương năm nào cũng vượt chỉ tiêu. Trong 2 năm 2018, 2019 chị đều vượt từ 38 – 40%. Không chỉ là một công nhân sản xuất giỏi, chị còn là một công nhân đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình. Phát huy tiềm năng của vùng đất bazan, chị đã đầu tư trồng 1.500 cây cây cà phê. Từ vườn cà phê này mà mỗi năm chị thu nhập thêm từ 220 – 250 triệu đồng.

Rơ Chăm Chyur có những cách làm khoa học mang lại hiệu quả

“Là công nhân thì mình phải luôn cố gắng, xung kích trong mọi hoạt động, nhất là thực hiện tốt việc chăm sóc vườn cây, khai thác đúng qui trình kỹ thuật và đạt năng suất cao”. Đó là những suy nghĩ mộc mạc của chàng trai dân tộc Jơ Rai, Rơ Chăm Chyur – công nhân khai thác tổ 11 Nông trường Hòa Phú.

Rơ Chăm Chyur sinh ra và lớn lên tại xã Ia Khương, huyện Chư Păh. Năm 2003 khi công ty phát triển diện tích cao su trên địa bàn xã Hòa Phú, thì Chyur xin vào làm công nhân cao su. Chyur nhận thức được rằng, đối với một công nhân khai thác mủ thì phải không ngừng rèn luyện tay nghề giỏi, cạo đúng kỹ thuật, đảm bảo ngày công, chắt chiu từng giọt mủ và luôn tiếp thu kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn.

Trong lao động, anh chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ ở đồng nghiệp, sách báo để rèn luyện tay nghề và có những cách làm khoa học mang lại hiệu quả. Chính vì vậy mà nhiều năm liên tục anh đều vượt chỉ tiêu khai thác của nông trường giao từ 20 – 50%. Rơ Chăm Chyur còn có hơn 1ha cà phê, mỗi năm trừ chi phí anh thu nhập kinh tế gia đình hơn 100 triệu đồng.

HÀ ĐỨC THÀNH
Call Now Button