(GLO)- “Không ai lựa chọn được nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cho mình cách sống, thái độ sống”-đó là suy nghĩ của Phạm Thị Thanh Huyền-sinh viên năm 4 ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố lại đau ốm thường xuyên nhưng Phạm Thị Thanh Huyền vẫn quyết tâm theo đuổi và nuôi dưỡng ước mơ trở thành kỹ sư giỏi để thay đổi cuộc đời mình. Huyền sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông gồm 3 anh chị em, mẹ là công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, bố trước kia là thợ sửa chữa máy nổ phục vụ nông nghiệp. Chính vì bố làm nghề kỹ thuật nên ngay từ nhỏ Huyền đã rất thích công việc được mặc định là dành cho nam giới này. Và rồi cuộc sống gia đình khó chồng khó khi bố em bị tai nạn, mất khả năng lao động. Thế nhưng, với tinh thần hiếu học cùng sự quan tâm động viên của thầy cô, bạn bè và sự giúp đỡ của nhà trường, Huyền đã không ngừng nỗ lực trong học tập, nhất là những năm cuối cấp THPT. Do điều kiện gia đình khó khăn nên Huyền không được học thêm nhiều, ngoài thời gian học ở lớp em còn phải phụ giúp gia đình việc nhà, khi xong việc Huyền mới tranh thủ học bài. Dù vậy, 3 năm học THPT, Huyền đều là học sinh giỏi; điểm thi đại học của em cũng khá cao: 24,75 điểm.

Bước chân vào cánh cửa đại học, theo học ngành mình yêu thích nhưng áp lực học tập căng thẳng của ngành Kỹ thuật Hàng không khiến Huyền từng có ý định xin thôi học để ôn tập và sang năm thi lại chuyên ngành khác. Song với quyết tâm rằng bạn học được thì mình cũng học được, Huyền luôn tự động viên mình vươn lên. Ngay từ năm học đầu Huyền đã đạt điểm để vào Khoa Kỹ thuật; liên tiếp 2 năm sau Huyền đều đạt điểm khá-giỏi, riêng năm học vừa qua em đạt điểm bình quân là 8,45. Từ nỗ lực này, vừa qua Huyền vinh dự được nhận học bổng của Cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không dành cho những sinh viên giỏi, sáng tạo của trường. Cuối tháng 10-2018, với thành tích học tập đáng nể, Huyền cũng được Công đoàn ngành Cao su Việt Nam tuyên dương.
Phạm Thị Thanh Huyền. Ảnh: H.Đ.T
Chia sẻ về áp lực học tập, Huyền cho biết lớp em có 52 sinh viên nhưng chỉ có 2 nữ vì đây là ngành học thường không dành cho phái yếu. Chương trình bao gồm các nhóm môn cốt lõi về nền tảng của kỹ thuật hàng không như khí động lực học, cơ học bay và điều khiển bay, kết cấu hàng không, hệ thống lực đẩy, thiết kế và bảo dưỡng máy bay… Các nhóm môn học này được phát triển trên nền tảng của các môn học cơ sở như cơ học lưu chất, cơ học vật rắn, sức bền vật liệu, điều khiển tự động… Sinh viên được trang bị khả năng tự tìm tòi nghiên cứu, khả năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo và phải thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp) chuyên ngành.
Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, Huyền cho hay: “Trước tiên, em sẽ cố gắng học thật tốt để bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp. Em mong sớm ra trường, đi làm để đỡ bớt gánh nặng cho cha mẹ”. Nữ sinh viên ngành học đặc biệt này cũng chia sẻ: “Đừng bao giờ chấp nhận cái gì sẵn có. Nếu không dấn thân vào những con đường gập ghềnh, trắc trở thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được thành công ngọt ngào ra sao”.
Hà Đức Thành
Nguồn: http://baogialai.com.vn/channel/12404/201901/pham-thi-thanh-huyen-sinh-vien-ngheo-vuot-kho-5616316/
Call Now Button